[go: nahoru, domu]

Bước tới nội dung

Công chúa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Sanada Yuki-kun (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 08:09, ngày 16 tháng 3 năm 2020 (→‎Tiên Tần). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Công chúa
公主
Phồn thể公主
Giản thể公主
Tên tiếng Nhật
Kanji公主
Kanaこうしゅ
Tên tiếng Triều Tiên
Hangul
공주
Hanja
公主

Công chúa (chữ Hán: 公主) là một tước hiệu dành cho nữ giới, thường được phong cho con gái Hoàng đế, tức Hoàng nữ (皇女) hoặc con gái của Quốc vương, tức Vương nữ (王女).

Tước hiệu này cũng được dùng để phong cho một số người phụ nữ có công trạng lớn với triều đình, hoặc một số vị nữ thần. Đối với hầu hết triều đại, tước hiệu Công chúa phải được chính các Hoàng đế ra sắc chỉ gia phong, làm lễ ban tước hiệu hoặc đất phong chứ không phải một danh xưng tự có. Tuy nhiên ở hai triều nhà Thanhnhà Nguyễn, rất phổ biến trường hợp gọi tước hiệu này kèm số thứ tự, dù phải sau khi làm lễ gia phong mới có tước hiệu chính thức.

Từ nguyên

Sách Công Dương truyện thời Chiến Quốc, có chép: "Thiên tử gả con gái cho chư hầu, tất phải do chư hầu cùng họ làm chủ hôn"[1]. Sách Xuân Thu chỉ chưởng túy ngọc bổ túc thêm: "Thiên tử gả con gái, từ Tần Hán đến nay, đều do Tam Công làm chủ, nên gọi Công chủ"[2]. Từ ["Chủ"; 主], sang Tiếng Việt, còn được phiên âm thành "Chúa", vì vậy từ Công chủ cũng được biến âm ở Việt chủ yếu thành [Công chúa].

Trong lịch sử, tước hiệu Công chúa chỉ dùng ở các quốc gia ảnh hưởng văn minh Trung HoaTrung Quốc, Việt Nam, Nhật BảnTriều Tiên. Tại những quốc gia này, tước hiệu Công chúa hầu hết là phong hiệu của các Hoàng nữ hoặc Vương nữ, nên trong các tài liệu Trung Quốc và Việt Nam, từ Công chúa hiện diện với nghĩa phổ biến để chỉ con gái của các quân chủ.

Trong nhiều trường hợp chuyển ngữ cho các tước hiệu nữ giới khác, dựa trên các tài liệu tiếng Anh, những phụ nữ được chú kèm tước hiệu Princess cũng được chuyển ngữ thành tước hiệu Công chúa. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn trong một số trường hợp các tước hiệu như trường hợp con gái của Tướng quân Nhật Bản, do ảnh hưởng của tiếng Anh khi dịch từ Hime ( (Cơ)?), cũng được chuyển ngữ sai thành Công chúa.

Phong hiệu

Tước hiệu Công chúa tùy theo địa phương hoặc triều đại có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Thời cổ đại, tước hiệu này thường chỉ phong cho các Hoàng nữ, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, các phụ nữ quý tộc không phải là Hoàng nữ, thậm chí thuộc tầng lớp thấp hơn, do tài năng hoặc công tích đặc biệt, cũng được Hoàng đế phá lệ phong tước hiệu Công chúa.

Trong các điển tịch Trung Quốc, từ Công chúa thường được giản xưng là "Chủ" (主), Công chúa lấy chồng xưng là "Thích" (適), người cưới Công chúa thì xưng là "Thượng" (尚). Mỗi Công chúa thường có một phong hiệu để tránh gọi tên thật, kèm đất phong để làm thực ấp (thường gọi là Thang mộc ấp, 湯沐邑). Thông thường, những phong hiệu này thuộc trong 3 dạng:

  • Theo tên tiểu quốc: như Ninh Quốc công chúa, Hoắc Quốc công chúa, Kỳ Quốc công chúa, Trấn Quốc công chúa,...
  • Theo tên quận: như Tân Thành công chúa, Trường Lạc công chúa, Bình Nguyên công chúa, Bình Dương công chúa,...
  • Theo mỹ tự: như Văn Thành công chúa, An Lạc công chúa, Thái Bình công chúa,...

Các phong hiệu công chúa không nhất thiết cố định mà có thể được thay đổi. Như trường hợp Thăng Bình công chúa sau được phong là Tề Quốc công chúa. Thời nhà Tống, các công chúa khi vừa sinh ra là có danh hiệu theo lối mỹ tự, sau khi gả chồng thì được đổi từ mỹ tự thành tên tiểu quốc. Sang các đời Minh, Thanh thì lại đơn thuần là mỹ tự.

Lịch sử danh hiệu

Tiên Tần

Trước thời Chu, hệ thống giai tầng xã hội chưa hoàn bị, các xưng hiệu chưa rõ ràng. Đến đời Chu thiên tử, các vị Thiên tử xưng Vương, vốn họ Cơ, vì vậy con gái Chu vương được gọi là Vương Cơ (王姬). Các nữ công tử— con gái các quốc quân chư hầu— các nước khác cũng được gọi tương tự, như các đích thê Vương Cơ (thuộc vương tộc họ Cơ), Sái Cơ (thuộc Sái thị họ Cơ), Từ Doanh (thuộc Từ thị họ Doanh) của Tề Hoàn công, Triệu Trang Cơ con Tấn Văn công (gọi theo thị của chồng là Triệu Sóc). Tuy vậy, do ảnh hưởng điều này, phụ nữ Trung Quốc thời Chu (thậm chí đến đầu đời Hán) thường được chép tên hiệu với từ Cơ ghép phía sau như Ly Cơ, Triệu Cơ, Ngu Cơ... Đến thời Chiến Quốc, các chư hầu đều xưng Vương, con gái các vua chư hầu đầu xưng là Công chúa, cũng có khi là Quân chúa (君主). Riêng con gái Chu vương vẫn xưng là Vương Cơ.

Khi Tần diệt Chu, Vương thị bị phế bỏ, do đó danh hiệu Vương Cơ cũng không còn. Bấy giờ, do vương thất nước Tần đều mang họ Doanh, nên con gái trong vương thất được gọi là Tần Doanh, những vị có thuỵ hiệu được gọi tên ghép hiệu với chữ Doanh như Hoài Doanh, Văn Doanh... Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, phong hiệu cho các Hoàng nữ vẫn chưa được ghi chép rõ. Thời Bắc Tống, Tư Mã Quang có chép rằng các con gái của Tần Thủy Hoàng có được gọi là Công chúa.[3]

Lưỡng Hán và Tân triều

Sang đầu thời Tây Hán, chế độ sách phong, tấn phong và đãi ngộ cho con gái và cháu gái Hoàng đế được hình thành. Theo đó, các Hoàng nữ xưng là Công chúa, con gái các Vương (gọi là Vương nữ) thì xưng là Ông chúa hoặc Vương chúa (王主)[4]. Đồng thời, bởi vì tư liệu lịch sử khuyết thiếu, cảnh ngộ của công chúa triều đầu Tây Hán cho đến nay vẫn là vấn đề khó lý giải.

Công chúa đầu tiên được sử liệu ghi chép là Lỗ Nguyên công chúa, con gái của Hoàng đế khai quốc nhà Hán Lưu Bang. Tuy nhiên, "Lỗ Nguyên" chỉ là thụy hiệu được đặt sau này, còn tên thật của bà không được ghi chép lại. Phần "Nhị niên pháp lệnh" (二年律令) trong cuốn sách Trương gia sơn Hán giản (張家山漢簡) được tìm thấy tại tại huyện Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc đã ghi lại như sau:「"Lý công chúa, Thân Đồ công chúa, Vinh công chúa, Phó chủ gia thừa trật các tam bách thạch"; 李公主申徒公主荣公主傅主家丞秩各三百石」, sau khi sửa sang ý nghĩa một chút thì có thể hiểu câu này đề cập đến Lý công chúa, Thân Đồ công chúa, Vinh công chúaPhó công chúa. Lý giải về các danh xưng này, có thuyết cho rằng Lý, Thân Đồ, Vinh và Phó đều là họ của các vị công chúa ấy, và các vị là những con gái do thiếp thất của Hán Cao Tổ cùng Hán Huệ Đế sinh ra[5]. Lý giải này cũng cho rằng khi ấy các công chúa đều mang họ mẹ, tuy nhiên không thể nào xác định được thực hư do các pháp lệnh chi tiết thời Hán vẫn chưa được phục hồi đầy đủ.

Đời Hán Văn Đế, từ khi Trưởng nữ Lưu Phiêu là người đầu tiên chính thức được phong hiệu Công chúa, thì danh xưng Công chúa bắt đầu có quy phạm, đều theo kiễu 「Mỗ mỗ công chúa; 某某公主」. Nói Mỗ mỗ, tức là Mỗ mỗ huyện, các Công chúa đều lấy tên thực ấp mà gọi, như Lưu Phiêu là Quán Đào công chúa, theo thực ấp của Công chúa là huyện Quán Đào. Ngoài ra, khi sắc phong thì Lưu Phiêu được gọi là Trưởng công chúa (長公主; giản xưng Trưởng chúa), khi sang thời Hán Vũ Đế trở thành Đại Trưởng công chúa (大長公主; giản xưng Đại chúa).

Căn cứ theo Hậu Hán thư - Hoàng hậu kỷ có viết:"Hán chế, Hoàng nữ tắc phong Huyện công chúa, nghi phục ngang Liệt hầu. Những người được coi trọng, gia hiệu Trưởng công chúa, nghi phục ngang Phiên vương"[6]. Lúc này, con gái cả do Trung cung sinh ra của Hoàng đế, theo lệ sẽ được phong Trưởng công chúa, địa vị ngang với Chư hầu Vương. Ngoài ra, Hoàng đế cũng có thể gia phong tước vị Trưởng công chúa cho chị mình, như Hán Vũ Đế gia phong Bình Dương công chúa, hay Hán Chiêu Đế phong chị mình phong hiệu là Cái Trưởng công chúa (蓋長公主).

Khi các Công chúa được gả cho bậc "Liệu hầu", phong hiệu của Công chúa đó sẽ đổi theo phong hiệu của chồng. Như Dương Tín công chúa, con gái của Hán Cảnh Đế, khi được gả cho Bình Dương hầu Tào Thì, phong hiệu của bà được cải thành Bình Dương công chúa. Do tước hiệu Công chúa không có tính thế tập, nên vẫn xảy ra trường hợp 2 công chúa có cùng phong hiệu (ở những thời điểm khác nhau), như trường hợp phong hiệu Quán Đào công chúa từng được phong cho Lưu Phiêu (con gái Hán Văn Đế) và Lưu Thi (con gái Hán Tuyên Đế). Hoặc có trường hợp phong hiệu gây nhầm lẫn với liệt hầu khác như Dương Tín công chúa với Dương Tín hầu. Bên cạnh đó, Hậu Hán thư cũng ghi, con trai của của Hoàng nữ được phong Công chúa, đều tập phong tước của mẹ liệt vào tước Hầu.

Khi Vương Mãng lên ngôi, đã phế bỏ tước hiệu Công chúa, cải thành tước hiệu Thất chúa (室主), cải phong hiệu của con gái mình từ Định An Thái hậu của nhà Hán thành Hoàng Hoàng thất chúa (黃皇室主). Sử liệu của ghi chép lại tước hiệu của hai con gái Vương Mãng là Vương Diệp và Vương Tiệp được phong lần lượt là Mục Tu nhiệm (睦脩任) và Mục Đãi nhiệm (睦逮任)[7].

Đến đời Đông Hán, tước hiệu Công chúa được phục hồi, nhưng lại bỏ tước hiệu Ông chúa của vương nữ. Phân định các bậc Công chúa được phân thành Huyện công chúa (縣公主; gọi tắt là Huyện chúa; 縣主), dành cho Hoàng nữ; còn tước vị Hương công chúa (鄉公主; gọi tắt là Hương chúa; 鄉主) và Đình công chúa (縣公主; gọi tắt là Đình chúa; 亭主), đều phong cho các Vương nữ. Căn cứ theo ghi chú của Thái Ung rằng:"Đế nữ phong Công chúa, vị ngang Liệt hầu. Tỷ muội phong Trưởng công chúa, vị ngang Chư hầu Vương" (帝女曰公主,仪比列侯。姊妹曰长公主,仪比诸侯王。), lúc này danh vị Trưởng công chúa đã định hình là sắc phong cho chị hoặc em gái Hoàng đế[8].

Ngụy Tấn đến Nam Bắc triều

Ảnh họa "Thiên thu tuyệt diễm đồ" thời nhà Minh, vẽ Nhạc Xương công chúa.

Thời Tam Quốc, chiến tranh loạn lạc, sử liệu thất lạc, cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ vốn dĩ chỉ ghi thông tin nhân vật, tuyệt nhiên không có điển chế hay hiến chương, vì thế chỉ có thể phỏng đoán thể chế phong hiệu các Công chúa vẫn phỏng theo nhà Hán.

Triều đình Tào Ngụy vẫn dùng phong hiệu và quy tắc cũ thời Hán; ví dụ như Đông Hương công chúa (東鄉公主) con gái của Tào Ngụy Văn Đế Tào Phi; hay có con gái của Tào Ngụy Minh Đế Tào Duệ là Tào Thục (曹淑) có thụy hiệu Bình Nguyên Ý công chúa (平原懿公主), hay như Đức Dương Hương chúa (德陽鄉主) - em gái Tào Chân, vợ của Hạ Hầu Thượng; xem phong hiệu thì toàn bộ theo như cũ là dựa vào tên đất phong, tên huyện mà lấy làm phong hiệu. Ở Đông Ngô, lại thấy tình trạng các công chúa lấy họ chồng mà gọi. Như hai con gái của Tôn QuyềnTôn Lỗ Ban (孫魯班) cùng Tôn Lỗ Dực (孫魯育) lần lượt là Toàn công chúa (全公主) và Chu công chúa (朱公主). Nhưng các hoàng nữ thời Tam Quốc cũng không phải là đều được phong, như Tào Tiết là em gái Tào Phi, Kế hậu của Hán Hiến Đế, khi Hiến Đế bị giáng làm Sơn Dương công, bà chỉ là Sơn Dương công phu nhân (山陽公夫人) mà không có gia hiệu nào khác. Hai người chị của Tôn Quyền, cũng như em gái út Tôn phu nhân, cũng không hề thấy ghi lại được gia phong huy hiệu công chúa. Nhà Thục Hán của Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị không có ghi lại phong con gái làm công chúa.

Sang đến đời Nhà Tấn, Đế nữ được phong hiệu theo quận tên quận, tức là Quận công chúa, gọi tắt là Quận chúa, phong hiệu các Vương nữ gọi là Huyện chúa. Lúc này Huyện chúa đã là danh xưng cố định, không được dùng xưng hiệu Huyện công chúa nữa[9].

Thời Nam-Bắc triều, Công chúa là tước hiệu dành cho Hoàng nữ, tuy nhiên trên thực tế vẫn được phong cho các nữ giới khác trong dòng tông thất, như Lang Tà công chúa (琅邪公主), Lan Lăng công chúa (兰陵公主). Nhà Nam Trần cũng có tông thất phong Công chúa, như Tín Nghĩa công chúa (信義公主). Phong hiệu của các Công chúa lấy theo tên quận hoặc huyện được phong.

Đường, Tống đến Minh

Tượng Văn Thành công chúa của nhà Đường.

Thời Nhà Đường, tước hiệu Công chúa, ngoài các Hoàng nữ, còn được phong cho các nữ nhân trong tông thất, thậm chí các con gái của các Phò mã, các đại thần cũng được phong tước hiệu Công chúa, đó như là một danh hiệu phong tặng không còn bị gò bó chỉ dành cho tông thất nữ nhân[10].

Các bậc Công chúa cũng quy định rõ[11], mà về sau là căn bản cho các triều đại tiếp theo:

  • Cô ruột của Hoàng đế được phong là Đại Trưởng công chúa (大長公主), hàng Chính nhất phẩm;
  • Chị và em gái Hoàng đếTrưởng công chúa (長公主), hàng Chính nhất phẩm;
  • Con gái Hoàng đếCông chúa (公主), hàng Chính nhất phẩm;
  • Con gái Hoàng thái tửQuận chúa (郡主), hàng Tòng nhất phẩm;
  • Con gái Thân vương là Huyện chúa (縣主), hàng Tòng nhị phẩm;
  • Con gái Quận vương là Hương chúa (鄉主);
  • Con gái Tông thất phong Đình chúa (亭主);

Tuy nhiên, trừ trường hợp được phong hiệu Công chúa chính thức, từ bậc Quận chúa trở xuống không được xưng hiệu là "Quận công chúa", "Huyện công chúa" hay "Đình công chúa" như các đời trước.

Thời Tống, ngoài áp dụng phong hiệu từ thời Đường, còn bổ sung thêm bậc Lượng Quốc Đại Trưởng công chúa (兩國大長公主), dành cho những nữ giới vai trò là cô tổ mẫu của Hoàng đế. Trừ 2 bậc "Lượng quốc Đại Trưởng công chúa""Đại Trưởng công chúa"; còn thì 2 bậc công chúa còn lại là "Trưởng công chúa""Công chúa", phong hiệu đều là mỹ danh, sau khi kết hôn sẽ cải phong hiệu theo tên Tiểu quốc được phong.

Đến đời Tống Huy tông, phỏng theo chế độ nhà Chu, cải tước hiệu Công chúa thành Đế cơ (帝姬). Các bậc dưới cũng được cải lại như Quận chúa thành Tông cơ (宗姬), huyện chúa thành Tộc cơ (族姬), Quận quân sửa thành Thục nhân (淑人), Thạc nhân (碩人), Lệnh nhân (令人), Cung nhân (恭人); còn Huyện quân sửa thành Thất nhân (室人), An nhân (安人), Nhụ nhân (孺人); Thất nhân lại sửa tiếp thành Nghi nhân (宜人). Khi Bắc Tống diệt vong, Nam Tống phục hưng, do thấy chữ (姬) cùng âm với chữ (飢) mang ý nghĩa không may mắn, Tống Cao Tông quyết định cải tước hiệu Công chúa, Quận chúa, huyện chúa như cũ. Tuy nhiên, các phong hiệu Thục nhân, Lệnh nhân này nọ đều giữ lại, trở thành danh hiệu cho các Ngoại mệnh phụ[12].

Sử liệu không ghi rõ nhà Liêu quy định tước hiệu Công chúa như thế nào. Các con gái Hoàng đế Liêu có thể được ghi dưới cả danh hiệu Công chúa, Quận chúa và Huyện chúa. Nhà Kim quy định rõ hơn, Hoàng nữ được phong "Công chúa", Vương nữ được phong "Huyện chúa". Tuy phong hiệu đều lấy tên huyện phong, nhưng bậc Huyện chúa không được xem như là "Huyện công chúa"[13][14]. Đến nhà Nguyên thì các Hoàng nữ, Vương nữ đều xưng là Công chúa[15].

Sang thời đại nhà Minh, điển chế quy định: Hoàng cô mẫu là "Đại Trưởng công chúa"; Hoàng tỷ muội là "Trưởng công chúa"; Hoàng nữ"Công chúa"; Thân vương nữ là "Quận chúa"; con gái chính thất của Quận vương cũng được phong "Quận chúa"; con gái thứ thất được phong là "Huyện chúa". Phu quân của các bậc Công chúa xưng là "Phò mã" (駙馬); còn Phu quân của Quận chúa và Huyện chúa xưng là "Nghi tân" (儀賓)[16].

Mãn Thanh

Vinh Thọ Cố Luân Công chúa - công chúa cuối cùng của nhà Thanh

Thời Hậu Kim, khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích khai quốc, triều nghi còn đơn giản, các con gái và cháu gái Đại hãn đều xưng là Cách cách (chữ Mãn: ᡤᡝᡤᡝ, Gégé, 格格). Khi Hoàng Thái Cực lên ngôi Hoàng đế, cải quốc hiệu thành Đại Thanh, đã phỏng theo người Hán, quy định con gái của Hoàng đế phong hiệu là Công chúa.

Sau khi quân Thanh chiếm được Trung Quốc, năm Thuận Trị thứ 17 (1660), nhà Thanh ra chế định thứ bậc phong hiệu của các Hoàng nữ như sau:

  • Cố Luân công chúa (固倫公主): ban cho con gái do Hoàng hậu sinh ra. Cố Luân có nghĩa là "thiên hạ" trong tiếng Mãn Châu.
  • Hòa Thạc công chúa (和碩公主): ban cho con gái do các Phi tần sinh ra. Hòa Thạc có nghĩa là "bốn phương, bốn mặt" trong tiếng Mãn Châu.

Đối với các tông nữ, phân thành các bậc:

  • Quận chúa (郡主): thường được ban cho con gái các Thân vương;
  • Huyện chúa (县主): thường được ban cho con gái của Thế tử, Quận vương;
  • Quận quân (郡君): thường được ban cho con gái của Bối lặc;
  • Huyện quân (县君): thường được ban cho con gái của Bối tử;
  • Hương quân (鄉君): thường được ban cho con gái của Phụng ân Trấn quốc công và Phụng ân Phụ quốc công. Con gái hàng Bất nhập bát phân đều chỉ xưng Tông nữ (宗女)[17];

Trước khi Thanh Thế Tổ ra luật gọi chuyển hết thành Hán ngữ, các Vương nữ đều xưng Cách cách. Con gái Thân vương là [Hòa Thạc cách cách; 和碩格格]; con gái của Thế tử, Quận vương là [Đa La cách cách; 多羅格格]; còn con gái của Bối tử là [Cố Sơn cách cách; 固山格格].

Trên thực tế, vẫn có những trường hợp được nâng bậc lên mà không phải xét đến xuất thân đã định sẵng. Ví dụ như Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa vốn là con của Đôn phi Uông thị, đáng lẽ nên chỉ là bậc ["Hòa Thạc công chúa"], nhưng Thanh Cao Tông vẫn phá lệ nâng lên bậc ["Cố Luân công chúa"]. Hoặc như Vinh Thọ Cố Luân Công chúa, trưởng nữ của Cung thân vương Dịch Hân, vốn chỉ là Vương nữ, thành Quận chúa, nhưng tại năm 7 tuổi được Từ Hi thái hậu đưa vào cung nuôi dưỡng, phá cách phong lên bậc ["Cố Luân công chúa"]. Bà cũng chính là vị Công chúa cuối cùng được ghi nhận của nhà Thanh.

Các quốc gia đồng văn

Hữu Trí Tử Nội thân vương - cũng xưng Trai Viện công chúa

Nhật Bản

Mặc dù chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhưng trong lịch sử Nhật BảnLưu Cầu lại không sử dụng tước hiệu Công chúa.

Con gái và cháu gái trực hệ 3 đời của Thiên hoàng được phong tước hiệu Nội thân vương (内親王; Naishinnō), được xem là tương đương tước hiệu Công chúa. Các cháu gái trực hệ ngoài 3 đời được phong tước hiệu Nữ vương (女王; Nyoō), tương đương tước hiệu Quận chúa.

Tuy nhiên, xưng hiệu Công chúa (Kōshu) đôi khi vẫn được các Hoàng nữ và Nội thân vương sử dụng như một Đường danh (唐名; とうめい), có thể hiểu là một dạng Nhã xưng trong văn hóa Nhật Bản. Như ở Thời kỳ Asuka, Hoàng nữ của Khâm Minh Thiên hoàng, Huyệt Tuệ Bộ Gian Nhân (穴穂部間人) xưng hiệu là Khổng Bộ Gian Nhân Công chúa (孔部間人公主)[18]. Hoặc ở Thời kỳ Heian, Nội thân vương Uchiko, Hoàng nữ của Tha Nga Thiên hoàng, xưng hiệu là Trai Viện Công chúa (斎院公主)[19].

Tại Vương quốc Lưu Cầu, do vốn là một phiên quốc của Trung Quốc, con gái của các quốc vương Lưu Cầu chỉ sử dụng tước cao nhất là Ông chúa (翁主), không sử dụng đến tước hiệu Công chúa.

Triều Tiên

Trong tài liệu tiếng Triều Tiên hiện đại, tước hiệu "Công chúa" được viết là [공주] và được phiên âm thành Gongju hoặc Kongchu. Chịu ảnh hưởng văn hóa Hán từ sớm, trong lịch sử, danh hiệu Công chúa được ghi nhận đầu tiên từ đầu thời Tam Quốc, như Lạc Lãng công chúa (낙랑공주) của nước Lạc Lãng, Bình Cương công chúa (평강공주) của Cao Cú Ly hay Thiện Hoa công chúa (선화공주) của Tân La. Sử liệu cũng ghi nhận các vương nữ của Tân La được phong các tước hiệu Công chúa (궁주), Trạch chúa (택주) hoặc Điện chúa (전주). Tuy nhiên, sau khi kết hôn, các Vương nữ đều xưng là Phu nhân.

Vào thời đại nhà Triều Tiên Lý thị, đích-thứ khác biệt, các Vương nữ do Vương phi sinh ra là Đích nữ, được phong làm Công chúa, như Trinh Minh Công chúa - con gái của Triều Tiên Tuyên Tổ. Còn con gái do hậu cung sinh ra đều gọi là Ông chúa. Con gái của Thế tử, nếu là đích nữ thì phong làm Quận chúa (군주), thuộc hàng Chính nhị phẩm; còn con gái do thiếp thất sinh ra là Huyện chúa (현주), thuộc hàng Tòng nhị phẩm.

Trong lịch sử Triều Tiên, chỉ duy nhất một vị vương nữ không phải Vương phi sinh ra, nhưng vẫn là Công chúa, chính là Nghĩa Thuận công chúa (의순공주), người được phái đi Hòa thân, làm thiếp của Duệ Trung Thân vương Đa Nhĩ Cổn của nhà Thanh.

Việt Nam

Trong lịch sử Việt Nam, phong hiệu Công chúa chưa được nghiên cứu tường tận và không có tư liệu lịch sử rõ ràng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ở thời kì Hùng VươngÂu Lạc, Vương nữ được gọi là Mị Nương (媚娘) dù còn mang nhiều sắc màu truyền thuyết nhưng được xem là ghi chép sớm nhất về phong hiệu dành cho các bậc quân vương Việt Nam.

Sang thời đại nhà Lý, khi chế độ đủ đầy phỏng theo chế độ Trung Hoa, phong hiệu phần nhiều đều phỏng theo chế độ nhà Đườngnhà Tống, thì ở Việt Nam có các bậc: Thái trưởng công chúa, Trưởng công chúa, Công chúa, Quận chúa, Huyện chúa,... Theo Sử ký toàn thư ghi nhận, Thiên Ninh công chúa vào thời Trần Nghệ Tông được phong làm ["Lạng Quốc Thái trưởng công chúa"; 諒國太長公主], cho thấy chắc chắn sự mô phỏng chế độ phong hiệu hoàng tộc theo lối Trung Hoa của triều đại Lý-Trần.

Một số Công chúa nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam:

Ngôn ngữ phương Tây

Trong tiếng Anh, danh vị tương đương của Công chúa là Princess, tuy nhiên tước vị này cũng vừa để gọi con gái quân chủ, vừa dùng để gọi hôn phối của Prince, được dịch thành Vương phi.

Nguyên do là, trong tiếng Anh cổ không có từ nào nữ hóa của những tước vị Prince, Earl như danh từ Queen (tương đương Vương hậu) dùng để gọi vợ của King (tương đương Quốc vương). Vào thời gian đầu, con gái của quân chủ nước Anh chỉ được gọi theo kiểu: [Lady + Tên], như Mary I của Anh cùng Elizabeth I của Anh ban đầu chỉ được gọi là Lady MaryLady Elizabeth mà thôi[20]. Sau thời George I của Anh, vương thất Anh mới bắt đầu dùng Princess để gọi các con gái quân chủ, kèm theo tôn xưng Royal HighnessHighness để xác nhận địa vị của thành viên vương thất. Tước vị Princess trong thời gian dài thường để gọi vợ của một Prince hơn, ví dụ Princess of Wales là vợ của Prince of Wales vậy[21]. Vương thất Anh từ thời Charles I của Anh bắt đầu thiết lập danh hiệu Princess Royal để phong cho con gái lớn nhất trong gia đình[22], danh vị này tương đương với Trưởng công chúa - nếu xét vào ý nghĩa lúc đầu thời Tây Hán.

Đối với các gia đình hoàng gia cai trị một Đế quốc, như nhà Habsburg của Đế quốc Áonhà Romanov của Đế quốc Nga, họ đều thiết lập các tước vị riêng cho con gái quân chủ, là Arch Duchess của hoàng gia Habsburg và Grand Duchess của hoàng gia Romanov. Với địa vị hoàng gia, cao hơn vương thất như nước Anh, các con gái quân chủ Nga đều được tôn xưng là Imperial Highness, trong khi quân chủ nhà Habsburg vẫn chỉ dùng Royal Highness để gọi các thành viên hoàng tộc.

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ 《公羊传》記載“天子嫁女於诸侯,必使諸侯同姓者主之”
  2. ^ 《春秋指掌碎玉》曰:天子嫁女, 秦汉以来,使三公主之,故呼公主也。”
  3. ^ Tư trị thông giám, quyển 7, phần Nhị Thế hoàng đế nguyên niên: 「......於是公子十二人僇死咸陽市,十公主矺死於杜......」
  4. ^ 唐六典 - 卷02:「......漢家公主所食曰邑;諸王女曰翁主,亦曰王主......」
  5. ^ 王子今 (2004年1月20日). “张家山汉简《秩律》四"公主"说” (bằng tiếng Trung). 中国秦汉史研究会网站. Bản gốc lưu trữ 2014年5月12日. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |deadurl= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=|archivedate= (trợ giúp)
  6. ^ 《后汉书·皇后纪》载:汉制,皇女皆封县公主,仪服同列侯。其尊崇者,加号长公主,仪服同蕃王
  7. ^ Hán thư, quyển 99 hạ, truyện Vương Mãng.
  8. ^ 《後漢書 皇后纪第十下》:“漢制:皇女皆封縣公主,儀服同列侯。其尊崇者加號長公主,儀服同蕃王。”
  9. ^ 《唐六典 卷02》:「......晉、宋已來,皇女皆封郡公主,王女皆封縣主。......」
  10. ^ Đường hội yếu, quyển Lục, Hòa phiên Công chúa.
  11. ^ Tân Đường thư, quyển 46, Chí 36: Bách quan nhất - Lại bộ: 「皇姑為大長公主,正一品;姊妹為長公主,女為公主,皆視一品;皇太子女為郡主,從一品;親王女為縣主,從二品。」.
  12. ^ 《鐵圍山叢談 卷一》:「國朝帝女封號,皆沿習漢唐。初封則有美號稱「公主」,出降則封「某國公主」,兄弟又封「某國長公主」,姑又封「某國大長公主」,祖姑則封「兩國大長公主」;而皇族則稱「某郡主」、「某縣主」。熙、豐間,嘗議以乖義理,然終不克改作。政和三年,上又惡其不典。或欲追述,號公主為「帝嬴」、郡縣主宜為「宗嬴」,乃合於前代矣。上曰:「此議雖近古,特不合時宜」。因諭大臣曰:「姬雖周姓,後世亦以為婦人之美稱,蓋不獨為姓也,在我而已。」魯公於榻前忽力爭,上愕然,詢其所以。魯公謂:「臣乃姬姓也,懼有嫌,使小人得以議爾。」上笑而不從,乃降手詔,引熙寧欲厘革,而有司不克奉承,以至今日。周稱王姬見於《詩》《雅》。姬雖周姓,考古立制,宜莫如周。今帝天下而以主封臣,可改公主為「帝姬」、郡主為「宗姬」、縣主為「族姬」;其稱大長者,可並依舊為「大長帝姬」,仍以美名二字易其國號,內兩國者以四字。於是魯公退而具書於《時政記》。當是時,執政者皆嘆息魯公傷弓,故慮患之深也。是後因又改郡縣君號為七等;郡君等,為淑人、碩人、令人、恭人;縣君者,室人、安人、孺人。俄又避太室人之目,因又改曰宜人。其制今猶存。」
  13. ^ Kim sử, quyển 55, Chí 36: Bách quan Nhất: 「封公主之縣號三十:樂安、清平、蓬萊、榮安、棲霞、壽光、靈仙、壽陽、鐘秀、惠和、永寧、慶雲、靜樂、福山、隆平、德平、文安、福昌、順安、樂壽、靜安、靈壽、大寧、聞喜、秀容、宜芳、真寧、嘉祥、金鄉、華原。 」
  14. ^ Kim sử, quyển 63, Liệt truyện 1: [Hậu] - phi thượng:「壽寧縣主什古,宋王宗望女也。靜樂縣主蒲刺及習撚,梁王宗弼女也」
  15. ^ Tân Nguyên sử, quyển 105:「元制,皇女及諸王女皆稱公主」
  16. ^ Minh sử, quyển 121, Liệt truyện 9 - Công chúa: 「明制,皇姑曰大長公主,皇姊妹曰長公主,皇女曰公主,俱授金冊,祿二千石,婿曰駙馬都尉。親王女曰郡主,郡王女曰縣主,孫女曰郡君,曾孫女曰縣君,玄孫女曰鄉君,婿皆儀賓。」
  17. ^ 《清史稿 卷114》:「公主之等二:曰固倫公主,曰和碩公主。格格之等五:曰郡主,曰縣主,曰郡君,曰縣君,曰鄉君。不入五等曰宗女。」
  18. ^ Sách Trung cung tự Thiên Thọ Quốc tú trướng chép:「多至波菜等已比乃弥己等(用明天皇)、庶妹、名を孔部間人公主、娶りて大后と為す……尾治大王之女、名を多至波奈大女郎、娶りて后となす…」
  19. ^ Sách Đại Đông thế ngữ chép:「弘仁中。有才學。」
  20. ^ Camden, William (1688). The History of the Most Renowned and Victorious Princess Elizabeth Late Queen of England (4th ed.). London, UK: M. Flesher. p. 5.
  21. ^ Given-Wilson, Chris, ed. (2010). Fourteenth Century England. VI. Woodbridge, UK: The Boydell Press. p. 131.
  22. ^ “Royal Titles: Style and Title of the Princess Royal”. The British Monarchy. 24 tháng 8 năm 2024. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2014. Đã bỏ qua tham số không rõ |deadurl= (gợi ý |url-status=) (trợ giúp)